Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Lịch sử hình thành

I. Quá trình hình thành và phát triển xã Cầu Lộc

Cầu Lộc là một trong những xã của huyện Hậu Lộc, có lịch sử hình thành cách đây hàng ngàn năm; là vùng đất đai trù phú, đồng ruộng phì nhiêu, cảnh quan thơ mộng, trên bến dưới thuyền

        Là xã nằm ở phía Tây Bắc của Huyện, cách trung tâm huyện 7km, diện tích tự nhiên là 648,99ha, dân số gần 8.000 nhân khẩu.

          Phía Đông giáp xã Tuy Lộc.

          Phía Nam giáp xã Thị Trấn .

          Phía Bắc giáp xã Đồng Lộc và sông lèn.

          Phía Tây giáp xã Thành Lộc.

          Qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Cầu Lộc đã vượt qua nhiều thử thách hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng CNXH. Theo từng bước chuyển mình của lịch sử, truyền thống yêu nước của nhân dân xã nhà ngày càng được giữ gìn và phát huy.

          Nhìn lại các thời kỳ lịch sử, cùng với sự đổi thay và đi lên của đất nước cũng như bao làng quê khác, xã Cầu Lộc cũng có những thay đổi cả về tên gọi cũng như địa giới hành chính. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc cách mạng tháng 8/1945 thành công, đất nước giành độc lập, chính quyền thuộc về nhân dân ta, khắp mọi làng quê chuyển mình xây dựng lại cuộc sống của người dân từ đây được làm chủ ngay trên mảnh đất quê hương mình .

Theo địa chí huyện Hậu Lộc và lịch sử Đảng bộ Cầu Lộc, thời vua Gia Long 1802 – 1920 thì Hậu Lộc có 5 tổng, trong đó tổng Đại Lý được chia thành 21 làng xã. Khi đó Cầu Lộc gồm có 3 làng; Đông Thôn , Cầu Thôn, Thiều Xá. Theo địa chí Cầu Lộc cho biết: xưa kia Đông Thôn, Cầu Thôn là một, có tên gọi là Chi Nê trang. Đến năm 1883 chia thành 2 làng là Chi Nê Đông ( Đông Thôn ngày nay), Chi Nê Cầu ( Cầu Thôn ngày nay). Chi Nê Đông có 3 xốm là: Đông Sơn, Đông Thành, Đông Thịnh. Chi Nê Cầu có 4 xóm là: Cầu Hòa, Cầu Thành, Cầu Thọ và Cầu Tài. Thiều Xá có 3 xóm là: xóm Hà, Xóm Vệ và xóm Hưng.

Năm 1984 thực hiện kế hoạch phân bổ lại khu dân cư, lao động trên địa bàn huyện, xã Cầu Lộc thành lập 2 Thôn mới là Đông Tân của làng Đông Thôn và Thiều Hưng của làng Thiều Xá. Từ đó Làng Đông Thôn có 4 Thôn là: Đông sơn, Đông Thành, Đông Thịnh, Đông Tân; Làng Cầu Thôn có 4 Thôn là: Cầu Hòa, Cầu Thành, Cầu Thọ và Cầu Tài. Làng Thiều Xá có 5 Thôn là: Thiều Quang, Thiều Văn, Thiều Huy, Thiều Trung và Thiều Hưng.

Năm 2008 thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc sát nhập thôn thì hiện này Cầu Lộc còn 6 thôn là: Thiều Xá 1, Thiều Xá 2, Đông Thôn 1, Đông Thôn 2, Cầu Thôn và Cầu Tài. Đảng bộ xã có 10 chi bộ, với 243 đảng viên, trong đó 6 chi bộ ứng với 6 thôn.

Cầu Lộc là một xã thuộc khu vực đồng chiêm chủng, thuần nông.

- Về nông nghiệp toàn xã có 370,44 ha đất trồng trọt giao cho HTX nông nghiệp và 6 thôn quản lý điều hành sản xuất. Sản lượng lương thực hàng năm từ 4.000 - 4.500 tấn. Giá trị thu nhập từ ngành nông nghiệp hàng năm chiếm khoảng 20% tổng thu nhập.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, Cầu Lộc đã có những đóng góp to lớn cho quê hương, cho đất nước. Trong lịch sử đấu tranh chống thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm kiên cường của dân tộc, người dân Cầu Lộc dù ở bất cứ đâu, ở thời nào cũng đều đã tích cực góp phần mình vì sự tồn vong của đất nước. 

Xã có 1 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đó là “ Đền Thiều” ở làng Thiều Xá năm 1999 .

Từ khi thành lập xã và có Đảng lãnh đạo, nhân dân Cầu Lộc đã đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp, vững mạnh, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Cầu Lộc hăng hái thi đua thực hiện các phong trào yêu nước góp phần xây dựng hậu phương lớn ở Miền Bắc để chi viện cho tuyền tuyến lớn Miềm Nam. Từ các phong trào lớn như “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “phụ nữ 3 đảm đang”, “hủ gạo kháng chiến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào xây dựng hợp tác hóa.v.v...Trong tất cả các phong trào cách mạng thi đua yêu nước, Cầu Lộc luôn luôn được cấp trên đánh giá cao. Trãi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh vì sự toàn vẹn thống nhất đất nước cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam, biên giới Phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở thời điểm cách mạng nào, người dân Cầu Lộc đều đem hết sức mình xây dựng quê hương, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến và bảo vệ biên giới, biển đảo, nhân dân Cầu Lộc đã đóng góp sức người, sức của:

- Về lương thực, thực phẩm đã đóng góp hàng ngàn tấn.

- Dân quân tiếp vận, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong có hàng ngàn lượt người tham gia.

- 98 người con của xã Cầu Lộc đã hy sinh (Trong đó chống pháp 7 liệt sỹ, chống mỹ 74, chiến tranh biên giới 17) đã cống hiến trọn đời mình cho Đất Nước; 35 thương bệnh binh; 04 người là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, 9 đối tượng gián tiếp;

- Về cá nhân, 359 người được tặng huân huy chương kháng chiến, hàng trăm người được tặng huân chương chiến sỹ vẻ vang, huân chương giải phóng, huân chương vì sự nghiệp nước bạn, 98 bằng tổ quốc ghi công, 11 bà mẹ được truy tặng mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm người được tặng bằng khen - giấy khen về thành tích chống Mỹ cứu nước. Những đóng góp đó được Đảng bộ, chính quyền ghi nhận vào lịch sử truyền thống Đảng bộ của xã nhà.

II. Những nét đẹp truyền thống và thành tích nổi bật đã được ghi nhận trong sự nghiệp đổi mới.

          Cùng với những đóng góp xứng đáng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển xã Cầu Lộc trên mọi lĩnh vực đã và đang có nhiều khởi sắc. Về văn hóa giáo dục đã có bước phát triển khác xa trước đây cả về số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất, tạo ra nguồn lực cơ bản cho phát triển kinh tế xã hội, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay toàn xã đã phổ cập giáo dục ở các bậc học., hàng năm 100% các cháu trong độ tuổi được đi học, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt xắp xỉ 100%. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, THCN mỗi năm một cao, bình quân hàng năm từ 30-40 em. Về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ năm 2018 về trước Cầu Lộc tổ chức khai trương xây dựng mô hình làng văn hóa với quy mô 3 làng được phân bổ ở 13 thôn ( trong đó làng Thiều Xá đạt danh hiệu làng văn hóa cấp Tỉnh, làng Đông Thôn và Cầu Thôn đạt danh Hiệu làng văn hóa cấp Huyện.

Thực hiện nghị quyết số 97/ NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của HĐND Tỉnh Thanh Hóa khóa XVII  về việc đổi tên, sát nhập để thành lập thôn, tổ dân phố, tại các xã, thị trấn đến nay Cầu Lộc từ 13 thôn đã sát nhập còn 6 thôn và đã có 6/6 thôn và 2/3 cơ quan trường học đã khai trương xây dựng và đạt danh hiệu thônvăn hóa, cơ quan văn hóa. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm phát động hàng năm và đưa vào nội dung Quy ước, Hương ước để thực hiện.

          Về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các thôn và nhân dân toàn xã thi đua thực hiện, với sự tham gia đóng góp của nhân dân và ngân sách xã, mỗi năm đã đầu tư cho các công trình phúc lợi, giao thông, chỉnh trang làng xóm hàng chục tỷ đồng, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đến nay, bình quân các thôn đạt 12/14 tiêu chí, xã cơ bản đã đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân xã Cầu Lộc đã và đang phát huy truyền thống quê hương, phát triển kinh tế vững mạnh, chính trị-xã hội ổn định, phấn đấu cuối năm 2021 xã Cầu Lộc về đích nông thôn mới.

          Quê hương có được những thành tựu như ngày hôm nay, chúng ta rất trân trọng công lao đóng góp của các bậc lãnh đạo tiền bối như đồng chí Nguyễn Văn Cấn, Đỗ Đình Phượng, Lê Thị Nhâm, Đỗ Văn Díu, Phạm Ngọc Châu, Đỗ Văn Ngư, Nguyễn Đình khuông, Nguyễn Văn Kiên….. Cùng các đồng chí khác qua các thời kỳ và các đồng chí đã, đang kế tiếp lãnh đạo cùng toàn thể đảng viên trong Đảng bộ và nhân dân địa phương dù sinh sống ở đâu luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh vững mạnh

          Hiện nay đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao và ổn định, năm 2020, tổng giá trị thu nhập 328 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người 41 triệu đồng/người/năm. Văn hóa xã hội phát triển, có 1 trường Tiểu học trong xã được công nhận trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, trường Mầm Non được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 28 hộ, chiếm 1,54%, xã không còn nhà dột nát, tạm bợ. Giao thông nông thôn được cứng hóa. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định. Năm 2021 là năm cán bộ, đảng viên và nhân dân Cầu Lộc tiếp tục phát huy cao hơn nữa những thành tích đã đạt được trong những năm qua.

          Phát huy truyền thống quê hương trong kháng chiến và bảo vệ tổ quốc, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất xây dựng quê hương trên con đường đổi mới, nhân ái, đoàn kết trong cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hướng về phía trước, khắc phục mọi khó khăn thách thức, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, chung tay xây dựng nông thôn mới, niềm tin mới, sức sống mới, diện mạo mới, cùng với các xã trong huyện xây dựng quê hương Hậu Lộc ngày càng giàu đẹp.